TP HCM mở cửa với ngành công nghiệp y dược
Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hoài Nam cho rằng việc tự chủ sản xuất hàng hóa thiết bị y tế rất quan trọng thay vì chủ yếu dựa vào hàng nhập khẩu, khi nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng.
"Đại dịch Covid 19 vừa qua cho thấy những hạn chế rất lớn khi phụ thuộc nguồn hàng nhập khẩu, từ những thứ rất đơn giản như khẩu trang y tế", ông Nam nói tại Hội thảo về thời cơ và thách thức của doanh nghiệp trong nước sản xuất thiết bị y tế công nghệ cao, ngày 16/8.
Thực tế hiện nay các doanh nghiệp sản xuất thiết bị y tế trong nước còn rất hạn chế. Việt Nam bắt đầu có nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư phát triển cho các doanh nghiệp sản xuất y tế trong nước. Hồi tháng 3, UBND thành phố phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp Dược TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, thành phố hình thành và phát triển khu công nghiệp chuyên ngành y dược đầu tiên cả nước, với các nhà máy sản xuất dược phẩm, dược liệu, các sản phẩm phụ trợ; đặc biệt là sản xuất thiết bị, vật tư y tế.
Theo ông Nam, đây là cơ hội và thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam cùng tham gia nghiên cứu, sản xuất thiết bị y tế công nghệ cao với các doanh nghiệp quốc tế hoặc có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải đổi mới sáng tạo, cập nhật và ứng dụng khoa học công nghệ vào nghiên cứu, sản xuất nhằm cung cấp một cách kịp thời, chất lượng và cạnh tranh cao trong toàn chuỗi cung ứng.
Có hơn 40 năm trong lĩnh vực xét nghiệm, bác sĩ Phạm Thị Lan, Giám đốc chuyên môn Trung tâm xét nghiệm Laditec, cho biết thiết bị y tế trước nay chỉ dựa vào nhập khẩu. Trong khi đó, thiết bị nếu sản xuất được trong nước, ngành y tế sẽ chủ động nguồn hàng, không phải dự trữ nhiều, không gián đoạn cung ứng và khả năng cao là giá thành rẻ hơn. Còn TS.BS Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc điều hành Bệnh viện Ung bướu TP HCM, mong có nhiều doanh nghiệp Việt sản xuất vật tư y tế, sản phẩm tốt, hiệu quả cho người bệnh với giá cả cạnh tranh trong bối cảnh các bệnh viện tự chủ tài chính.
Trong khi đó, theo ông Trương Hùng, Phó Chủ tịch Hội Thiết bị Y tế TP HCM, doanh nghiệp trong nước để đưa được sản phẩm ra thị trường, vào bệnh viện, đến được người bệnh là vô cùng khó khăn, từ thủ tục, kỹ thuật, tài chính... "Hiện, một số nước có chính sách ưu tiên hàng sản xuất trong nước, còn Việt Nam chưa làm được điều này", ông Hùng nói.
Ở khía cạnh khác, bà Trần Thị Ngọc Thúy, Giám đốc Wembley Medical - doanh nghiệp sản xuất thiết bị y tế có 100% vốn đầu tư Việt Nam, nói rằng một trong những thách thức là phải đầu tư rất lớn cho thiết bị, máy móc, nhà xưởng... để đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng sản phẩm ngày một tăng của các cơ sở khám chữa bệnh. Nghịch lý là giá thành sản phẩm phải đảm bảo thấp, cạnh tranh được với hàng nhập khẩu, đặc biệt là hàng từ các quốc gia có được sự hỗ trợ từ Chính phủ như Ấn Độ, Trung Quốc...
Theo bà Thúy, Việt Nam đã có nhiều chính sách ưu đãi cho các sản phẩm thiết bị y tế sản xuất trong nước. Tuy nhiên, doanh nghiệp gặp khó khăn khi nộp hồ sơ đấu thầu để chứng minh hàng hóa sản xuất trong nước để được hưởng ưu đãi. Khó khăn này xuất phát từ việc chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết về danh mục hồ sơ chứng minh tỷ lệ nội địa hóa, cùng sự thiếu thống nhất giữa các cơ quan ban ngành.
Chưa kể, giấy phép lưu hành thời gian xét duyệt cấp phép tương đối lâu. "Sản phẩm từ khi nghiên cứu đến khi đầy đủ điều kiện để nộp hồ sơ mất nhiều thời gian, chờ thêm 2-3 năm nữa để cấp phép thì nhiều khi bị lỡ nhịp thị trường", bà Thúy nói.
Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng mong muốn bên cạnh đưa công nghệ từ nước ngoài về sản xuất tại Việt Nam, các công ty cần đổi mới sáng tạo, chế tạo thêm sản phẩm chất lượng tốt nhưng giá thành thấp. Doanh nghiệp nên gắn kết với nơi sử dụng là bệnh viện, để nghiên cứu sản phẩm phù hợp.
Nguồn: https://vnexpress.net/